16 thông số màu sắc chỉnh anh ⇣
CÁC THÔNG SỐ CHỈNH SỬA MÀU SẮC ẢNH CƠ BẢN
Phần 1: Một số kiến thức cơ bản:
1. Điểm ảnh (Pixel):
Pixel là phần tử nhỏ nhất của mỗi bức hình. Mỗi pixel là một ô vuông chỉ chứa đúng một màu duy nhất.
Đại khái có thể hình dung pixel một cách chính xác nhất đó là bạn có thể tìm một tấm ảnh trên máy tính (hoặc điện thoại), sau đó phóng to bức ảnh này lên, nếu như càng phóng to mà bức ảnh vẫn chi tiết, rõ ràng các đường nét thì có nghĩa đây là tấm ảnh có rất nhiều pixel.
2. Kích thước ảnh:
Là số lượng pixel chiều ngang nhân với số lượng pixel chiều dọc của mỗi bức hình.
3. Độ phân giải:
Độ phân giải ảnh là số lượng pixel trên một đơn vị độ dài. Những bức ảnh chứa càng nhiều pixel, độ phân giải lớn thì càng trở nên chi tiết hơn. Và đồng nghĩa với việc ảnh chiếm dung lượng bộ nhớ nhiều hơn.
Bạn có thể thấy rằng những chiếc iphone nhỏ bé có thể có số lượng pixel ngang bằng màn hình chiếc máy tính của bạn. Tuy nhiên kích thước của chúng thì lại nhỏ hơn màn hình máy tính rất nhiều. Đó là lý do vì sao, cùng 1 ảnh khi xem trên điện thoại, ta cảm giác sự rõ nét tăng lên rất nhiều so với màn hình máy tính.
- Là yếu tố phụ thuộc vào khả năng của máy ảnh, phụ thuộc cảm biến ảnh (digital sensor).
- Đô phân giải thể hiện khả năng cảm biến của máy ảnh, tách bạch các phần tử gần nhau về không gian của các chi tiết.
- Độ phân giải của một bức ảnh không thể cải thiện trong hậu kỳ.
4. Hệ màu CMYK
Hệ màu CMYK là viết tắt của 4 màu trong mô hình màu loại trừ bao gồm: Cyan (xanh lơ), Magenta (hồng cánh sen), Yellow (màu vàng), Key (màu đen). Mặc dù trong tiếng anh màu đen là Black nhưng để tránh trùng nên người ta chuyển thành key - màu chủ chốt quan trọng.
Nguyên lý hoạt động của hệ màu này là hấp thụ ánh sáng. Ba màu cơ bản của hệ màu là những màu mắt thường nhìn thấy do ánh sáng không bị hấp thụ, vì vậy khi 3 màu này chồng lên nhau theo tỉ lệ 1:1:1 sẽ tạo ra màu đen.
Hệ màu CMYK thường được dùng chủ yếu trong in ấn. Đây là màu của các loại mực in, khi trộn theo các tỉ lệ nhất định sẽ tạo ra các màu khác nhau, phục vụ nhu cầu in ấn các ấn phẩm như name card, catalogue, tờ rơi, tờ gấp
5. Hệ màu RGB
Ngược lại với CMYK, hệ màu RGB là tổng hợp 3 màu cơ bản trong mô hình màu bổ sung bao gồm: Red (đỏ), Green (xanh lá), Blue (xanh dương). Màu RGB đã được sử dụng làm hệ màu tiêu chuẩn cho tivi, camera từ những năm 1953.
Ba màu của hệ màu RGB được tách ra nhờ lăng kính, nên khi tụ lại sẽ tạo thành một dải màu rất rực rỡ, phong phú và nếu được chồng lên nhau với tỉ lệ 1:1:1 sẽ tạo thành màu trắng.
Hệ màu RGB thì không thể dùng trong in ấn mà chủ yếu dùng để quan sát, nhìn những hình ảnh, video,... thông qua màn hình điện tử, tivi, máy tính, máy ảnh, những thiết bị sử dụng ánh sáng. Hệ màu RGB chủ yếu được dùng để thiết kế, làm các ấn phẩm truyền thông như banner website, fanpage, ảnh chạy quảng cáo,...
6. File Vector là gì?
File Vector được hiểu là File định hình ảnh. Chúng thường được tạo nên thông qua các phần mềm thiết kế đồ họa thông dụng như AI hoặc Corel. Với File Vector, quá trình phóng ảnh ra kích thước lớn hơn sẽ không bị nhòe, mờ hay vỡ ảnh. Thường được dùng trong thiết kế logo, hoặc bảng quảng cáo. Dung lượng File ảnh Vector thường nhẹ và dễ chia sẻ do chúng chỉ chứa những màu sắc cơ bản.
File ảnh Vector có cấu tạo từ nhiều đối tượng cho khả năng Scaling độc lập, đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt nhất, bất kể bạn có chỉnh sửa, phóng to/thu nhỏ, xoay, cắt, sửa ép hay nén đi chăng nữa.
Các định dạng File Vector rất thông dụng và thường hỗ trợ chỉnh sửa bởi những phần mềm thiết kế. Cụ thể định dạng File Vector thường gặp là: .eps, .ai, .cdr, .cmx,...
Phần 2: Các thông số chỉnh sửa màu sắc ảnh cơ bản
Dù học Photoshop (Camera Raw), Lightroom, Canva, Polarr hay bất kỳ phần mềm retouch ảnh nào khác. Bạn cần hiểu các thông số chỉnh ảnh sau đây để nhanh chóng tạo ra bức ảnh mình muốn. Khi hiểu rõ các thống số này thì gặp bất kỳ chương trình xử lý ảnh nào bạn cũng dễ dàng làm quen và sử dụng được trên máy tính hay điện thoại.
Chúng ta cùng xem qua giao diện của một số phần mềm chỉnh sửa màu ảnh lung linh được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:
- Phần mềm: Photoshop (Camera Raw)
-
Phần mềm Adobe Lightroom
-
Phần mềm Polarr Photo Editor
- Phần mềm Canva:
1. Temperature và Tint (Nhiệt độ và trạng thái màu sắc)
Thường gặp trong chụp ảnh, là quá trình xác định đúng màu của bức ảnh trong điều kiện chụp cụ thể.
Trong Lightroom bạn chỉnh hai thanh Temp và Tint để chọn màu phù hợp cho ảnh. Cụ thể dùng Temp để chỉnh tone ấm (nghiêng về màu vàng) hoặc tone lạnh (nghiêng về màu xanh).
Tương tự Tint để chỉnh tone màu nghiêng về hồng hoặc xanh lá:
2. Exposure (Phơi sáng):
Trong nhiếp ảnh chúng ta thường nghe rất nhiều tới thuật ngữ Exposure, Exposure có tên đầy đủ là Exposure Value được viết tắt là EV, một cách đơn giản và dễ hiểu nhất thì Exposure là giá trị đo lượng sáng vào máy ảnh thông qua ba thông số cài đặt là ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập.
Trong phần mềm chỉnh ảnh thì Exposure sẽ giúp tăng hoặc giảm độ phơi sáng của của ảnh.
Ví dụ hình dưới đây, ta thấy toàn bức ảnh đều bị chói sáng vì vậy ta nên giảm thông số exposure xuống.
3. Contrast (Độ tương phản): Chỉnh độ tương phản giữa vùng tối và vùng sáng.
4. Highlight (vùng sáng): Làm vùng sáng trên ảnh sáng hơn hoặc tối hơn.
5. Shadows (vùng tối): Đối lập hoàn toàn với Highlight. Shadows làm tăng hoặc giảm ánh sáng ở vùng tối trên ảnh.
Ví dụ: Để người phụ nữ trở nên huyền bí hơn, ta giảm shadows xuống.
![]()
6. White (màu trắng): Thêm màu trắng vào vùng cực sáng
7. Black (màu đen): Thêm màu đen vào vùng cực tối
Nó chỉ ảnh hưởng đến phần đen trong hình ảnh, hãy tăng hoặc giảm để tạo chiều sâu cho bức ảnh.
8. Clarity (độ nét): Tăng hoặc giảm độ nét của ảnh
-
Công cụ giúp cho ảnh chụp của bạn nét hơn bằng cách tăng độ tương phản cạnh, nhưng nếu không cẩn thận thì bức ảnh trông sẽ quá sắc và nhìn như bị tạo quầng.
-
Thuật toán Clarity ngày càng được nâng cấp tạo ra ít noise hơn Sharpen và giữ chi tiết tốt hơn. Ảnh phong cảnh tăng clarity sẽ làm ảnh nét hơn, với ảnh chân dung cần da mềm mại thì giảm clarity.
Thông thường, hãy sử dụng Clarity khi bạn:
- Muốn tăng sự kịch tính trên toàn bộ hình ảnh của bạn.
- Muốn nhắm mục tiêu các khu vực tần số thấp như bầu trời.
Giảm Clarity làm da mịn và mềm mại hơn
9. Sharpen (Làm sắc nét)
Sharpen làm sắc nét hình ảnh hơn nhưng không làm màu sắc bức hình thay đổi như khi chỉnh ảnh nét bằng Clarity.
Hầu hết các bức ảnh có thể làm sắc nét thêm một chút để làm nổi bật các chi tiết.
Lưu ý: Việc tăng nét cho ảnh là con dao hai lưỡi. Nếu quá lạm dụng, ảnh sẽ bị nhiễu hạt và rỗ viền.
10. Texture (kết cấu): Tăng hoặc giảm độ nét của ảnh
-
Cũng tương tự như Clarity, Texture can thiệp vào tương phản với phạm vi ảnh hưởng mid-tone là chủ yếu.
-
Tuy nhiên khác với Clarity, Texture tác động lên khu vực gần các cạnh, tăng độ tương phản làm cho khoảng sáng của cạnh sáng hơn và khoảng tối tối hơn và ngược lại (gần giống với bộ lọc high pass trong photoshop và sharpening trong camera raw, lightroom).
-
Điều này hữu dụng trong các trường hợp bạn làm rõ các chi tiết trên đá, gỗ…đối với ảnh phong cảnh bằng cách kéo tăng Texture, hoặc làm mịn các chi tiết trên da mặt bằng cách giảm Texture.
=> Sử dụng Texture khi bạn:
-
Muốn loại bỏ hoặc nhấn mạnh các chi tiết nhỏ mà không ảnh hưởng đến tổng thể của bức ảnh.
-
Muốn tạo ra những hình ảnh trông tự nhiên hơn, đặc biệt là chân dung.
-
Không muốn ảnh hưởng đến màu sắc trong hình ảnh của bạn.
Ví dụ: Tăng texture sẽ làm ảnh sắc nét hơn, nhưng đừng tăng cao quá ảnh sẽ bị noise.
11. Vibrance (độ rực màu)
Giúp tăng độ đậm nhạt màu sắc cho ảnh. Vibrance chỉ làm thay đổi các màu yếu, nhợt nhạt, vùng chưa bão hòa và giữ vùng đã bão hoà màu.
Thông thường người ta thích dùng vibrance hơn saturation vì ít bị bệt màu.
12. Saturation (sự bão hoà)
Tăng độ đậm nhạt cho toàn bộ màu trên bức ảnh. Dùng Saturation dễ làm ảnh bệt màu vì tăng giá trị cả ở vùng màu đã bảo hòa (quá đậm).
13. Hue: Chỉnh tone một màu cụ thể.
Ví dụ như bức hình bên dưới, ta chọn màu xanh rồi chỉnh mức độ màu sắc đậm nhạt theo mong muốn.
14. Noise Reduction (giảm nhiễu hạt)
Hiểu cơ bản thì Noise là những chấm hạt nhỏ được phân bố trên hình ảnh nhìn nó rất giống Grain trong film. Sự tồn tại của nó làm biến dạng đi các chi tiết trong ảnh và khiến ảnh trở nên kém và có chất lượng xấu. Điều này là sự tồn tại với những ai làm nhiếp ảnh.
Nguyên nhân chủ yếu của việc xảy ra tình trạng này đó chính là công nghệ cảm biến của máy ảnh của bạn, ISO, thời gian phơi sáng, ngoài ra do nhiệt độ môi trường, do máy ảnh của bạn đã quá cũ.
Trên thực tế, thì có 2 loại nhiễu cơ bản mà bạn có thể bắt gặp đó chính là:
- Chroma Noise: Đây là dạng nhiễu màu, những điểm ảnh bị sai lệch về màu sắc. Nó xuất hiện dưới dạng những hạt lấm chấm màu xanh hoặc đỏ.
- Luminance noise: Loại này là nhiễu đơn sắc, nó khá giống với loại nhiều trang máy ảnh của phim nhưng hạt nhiễu có màu đen, trắng hoặc xám và không có màu lấm chấm.
15. Dehaze (giảm sương mù)
Với dehaze bạn có thể dễ dàng làm cho hình trở nên trong trẻo hơn, rõ ràng hơn. Công cụ này phù hợp để làm trong ảnh phong cảnh khi mà chụp vào ngày bầu trời âm u, xám xịt.
16. Tone
Dùng để điều chỉnh độ sáng cho khuôn mặt hoặc 1 vùng nào đó được chọn mà không làm ảnh hưởng đến độ sáng của các vùng khác.
Ví dụ hình dưới đây cho ta thấy được sự khác nhau sau khi tăng tone vùng khuôn mặt lên 100%.