Bản quyền là gì?
Ở nhiều quốc gia, khi một người tạo tác phẩm gốc, cố định trong một phương tiện vật lý, họ nghiễm nhiên sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Là chủ sở hữu bản quyền, họ có độc quyền sử dụng tác phẩm đó. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ chủ sở hữu bản quyền mới có thể cho phép người khác sử dụng tác phẩm của họ.
Loại tác phẩm nào được bảo vệ bản quyền?
- Tác phẩm nghe nhìn, chẳng hạn như chương trình truyền hình, phim và video trực tuyến
- Bản ghi âm và sáng tác nhạc
- Tác phẩm viết, chẳng hạn như các bài giảng, bài báo, sách và bản soạn nhạc
- Tác phẩm hình ảnh, chẳng hạn như bức tranh, áp phích và quảng cáo
- Trò chơi điện tử và phần mềm máy tính
- Tác phẩm kịch, chẳng hạn như vở kịch và nhạc kịch
Các ý tưởng, dữ kiện và quy trình không được bảo vệ bản quyền. Theo luật bản quyền, để hội đủ điều kiện được bảo vệ bản quyền, một tác phẩm phải có tính sáng tạo và phải được cố định trong một phương tiện hữu hình. Tên và tiêu đề không được bảo vệ bản quyền.
Tôi có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không vi phạm bản quyền không?
Trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không vi phạm bản quyền của chủ sở hữu. Để biết thêm về điều này, bạn nên tìm hiểu về nguyên tắc sử dụng hợp lý. Bạn cũng có thể được phép sử dụng nội dung của người khác trong video của mình.
Chủ sở hữu bản quyền vẫn có thể xác nhận quyền sở hữu video của bạn ngay cả khi bạn đã...
- Ghi nhận tác giả cho chủ sở hữu bản quyền
- Hạn chế kiếm tiền từ video vi phạm
- Nhận thấy có các video tương tự xuất hiện trên YouTube
- Mua nội dung đó trên iTunes, mua CD hoặc DVD
- Tự ghi lại nội dung đó từ TV, rạp chiếu phim hoặc radio
- Khẳng định rằng “không có ý định vi phạm bản quyền"
Một số người sáng tạo nội dung cho phép người khác sử dụng lại tác phẩm của họ kèm một số yêu cầu nhất định. Để biết thêm về điều này, bạn nên tìm hiểu về giấy phép Creative Commons.
YouTube có thể xác định quyền sở hữu bản quyền không?
Không. YouTube không thể dàn xếp các kháng nghị về quyền sở hữu quyền. Khi nhận được thông báo yêu cầu gỡ bỏ đầy đủ và hợp lệ, chúng tôi sẽ xóa nội dung theo yêu cầu của pháp luật. Khi nhận được thông báo phản đối hợp lệ, chúng tôi sẽ chuyển tiếp thông báo đó đến người đã yêu cầu xóa video. Sau đó, tùy thuộc vào các bên liên quan giải quyết vấn đề này trước tòa.
Bản quyền có giống với nhãn hiệu không?
Bản quyền chỉ là một hình thức sở hữu trí tuệ. Bản quyền không giống như nhãn hiệu, giúp bảo vệ tên nhãn hiệu, khẩu hiệu, biểu trưng và các nội dung nhận dạng nguồn khác không bị người khác sử dụng cho một số mục đích nhất định. Bản quyền cũng khác so với luật bằng sáng chế có chức năng bảo vệ phát minh.
YouTube cung cấp quy trình xóa riêng biệt cho những video vi phạm luật nhãn hiệu hoặc các luật khác.
Sự khác biệt giữa bản quyền và quyền riêng tư là gì?
Việc bạn xuất hiện trong video, hình ảnh hoặc bản ghi âm không có nghĩa là bạn sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Ví dụ: nếu bạn của bạn quay cuộc trò chuyện giữa hai người, người đó sẽ sở hữu bản quyền đối với bản ghi video đó. Những lời mà hai người nói với nhau không được bảo vệ bản quyền riêng biệt khỏi video đó trừ khi những lời đó đã được lên kịch bản từ trước.
Nếu bạn của bạn hoặc một người khác tải một video, hình ảnh hoặc đoạn ghi âm có bạn lên mà chưa có sự cho phép của bạn và bạn cho rằng điều đó vi phạm quyền riêng tư hoặc sự an toàn của mình, thì bạn nên gửi khiếu nại về quyền riêng tư.
* Nguồn: Youtube